Cầu Nhơn Trạch thuộc dự án đường Vành đai 3 - nối TP.HCM với Đồng Nai

Cầu Nhơn Trạch thuộc dự án đường Vành đai 3 - TP.HCM khi hoàn thành xây dựng sẽ là cây cầu tiếp theo đóng vai trò kết nối trực tiếp 2 địa phương “láng giềng” là TP.HCM và Đồng Nai.


Phối cảnh cầu Nhơn Trạch. Ảnh: Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận

Đầu tư hơn 1,8 ngàn tỷ đồng xây cầu kết nối TP.HCM với Đồng Nai

Dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch là đoạn đầu của tuyến đường Vành đai 3 - TP.HCM. Dự án nằm trên địa bàn TP.HCM và Đồng Nai với chiều dài khoảng 8,22km, gồm 6,3km qua Đồng Nai và 1,92km đi qua TP.HCM. Dự án được xây dựng với quy mô đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80 km/giờ, rộng 20,5-26m, 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp.

Tổng mức đầu tư của dự án hơn 6,9 ngàn tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Theo Bộ GT-VT, việc đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 (thuộc hệ thống đường Vành đai 3 - TP.HCM) sẽ rút ngắn hành trình từ H.Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến Bình Dương và TP.HCM. Tuyến đường còn kết nối TP.HCM với các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ; đặc biệt phân luồng từ xa và giảm ách tắc cho các tuyến đường nội đô.

Ông Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, đơn vị được Bộ GT-VT giao là đại diện chủ đầu tư dự án cho biết, ngày 13-7 vừa qua, đơn vị đã chính thức ký kết hợp đồng xây lắp cầu Nhơn Trạch với nhà thầu thi công là Công ty Kumho Engineering & Construction Co., Ltd.

Cầu Nhơn Trạch rộng 19,75m, dài hơn 2 ngàn mét, đường dẫn hai bên cầu 560m có tổng mức đầu tư hơn 1,8 ngàn tỷ đồng. Hạng mục này sẽ được khởi công xây dựng ngay sau khi UBND TP.HCM và UBND tỉnh Đồng Nai bàn giao mặt bằng.

Trong dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trach, cầu Nhơn Trạch và đường dẫn dài hơn 2 ngàn m là một trong những hạng mục quan trọng nhất. Cầu Nhơn Trạch sẽ đóng vai trò kết nối trực tiếp giữa 2 địa phương láng giềng là TP.HCM và Đồng Nai.

Cần thêm những cây cầu kết nối để phát triển kinh tế

Đồng Nai và TP.HCM là 2 địa phương láng giềng, nằm ở trung tâm của vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế phát triển năng động nhất cả nước. Nếu như TP.HCM được xem là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ của cả nước thì Đồng Nai lâu nay vẫn được mệnh danh là “thủ phủ” cả về công nghiệp lẫn chăn nuôi của cả nước. Chính vì vậy, nhu cầu kết nối về giao thông để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giữa 2 địa phương là rất lớn.

Hiện nay, đảm nhận vai trò kết nối giao thông giữa 2 địa phương chủ yếu là hệ thống đường bộ. Tuy nhiên, số lượng các cầu đường bộ được xây dựng để kết nối trực tiếp giữa TP.HCM và Đồng Nai còn rất ít ỏi.

Năm 2015, khi dự án Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hoàn thành xây dựng, cầu Long Thành thuộc dự án này trở thành cây cầu đầu tiên đóng vai trò kết nối trực tiếp giữa TP.HCM và Đồng Nai (kết nối TP.Thủ Đức và H.Long Thành). Đến nay, đây cũng là cây cầu duy nhất kết nối trực tiếp 2 địa phương đã hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác.

Bên cạnh cầu Long Thành, một cây cầu khác đóng vai trò kết nối trực tiếp giữa TP.HCM và Đồng Nai hiện đang được xây dựng là cầu Phước Khánh (kết nối H.Cần Giờ và H.Nhơn Trạch) thuộc dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Theo dự kiến, năm 2025, cầu Phước Khánh cùng toàn bộ tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác.

Một dự án cầu đường bộ khác kết nối trực tiếp giữa TP.HCM và Đồng Nai được chờ đợi rất lâu nhưng chưa được triển khai xây dựng là cầu Cát Lái.

Theo quy hoạch, cầu Cát Lái được xây dựng sẽ kết nối TP.Thủ Đức với H.Nhơn Trạch. Tuy nhiên, dù đã được quy hoạch hàng chục năm nay, nhưng đến nay, dự án này vẫn chưa thể chốt được phương án hướng tuyến cuối cùng để có thể khởi công xây dựng.

Đối với dự án này, Đồng Nai đã đưa ra 5 phương án hướng tuyến xây dựng để TP.HCM xem xét lựa chọn.

Ngày 1-7, Sở GT-VT TP.HCM đã có đề nghị Văn phòng UBND TP.HCM sớm tham mưu lãnh đạo thành phố xem xét đề xuất 5 phương án xây cầu Cát Lái.

Trước đó, vào ngày 25-5, Sở GT-VT TP.HCM cũng đã có văn bản gửi UBND thành phố về phương án đầu tư xây dựng cầu Cát Lái. Trong đó, Sở GT-VT TP.HCM đã có đánh giá về các phương án nghiên cứu xây dựng cầu Cát Lái.

Cụ thể, Sở GT-VT TP.HCM đánh giá phương án 4 là phương án có nhiều ưu điểm như: tạo mạng lưới kết nối giao thông mới, thu hút lưu lượng giao thông từ trung tâm thành phố, biển Cần Giờ thông qua tuyến metro số 4 và các tuyến trục chính giao thông hướng tâm như đường Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Lương Bằng, đi qua H.Nhơn Trạch, cảng hàng không quốc tế Long Thành và hướng ngược lại, phù hợp định hướng.

Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM cũng đánh giá phương án 4 có tính khả thi trong việc nghiên cứu điều chỉnh các quy hoạch liên quan trên địa bàn, đồng thời một phần đường dẫn phía TP.HCM đi qua khu đất trống nên thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng.

Cầu xây đến đâu, giá bất động sản tăng đến đó?

Theo quy luật của thị trường, cầu và đường mở đến đâu, giá bất động sản sẽ tăng đến đấy. Ở một địa danh lớn như tỉnh Đồng Nai đặc biệt là khu vực đang nổi bật là  Nhơn Trạch, Long Thành, Tân Phú, Long Khánh điều này cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, nếu chọn đầu tư tại Đồng Nai để đón đầu tiềm năng tăng giá khi cây cầu  xuất hiện, các nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với một thách thức khác đến từ mức giá thị trường cho những lô đất nền nơi đây luôn dao động từ 20-30 triệu đồng/m2 cho loại hình đất nền với diện tích từ 100-200m2.

Dữ liệu lớn (big data) từ Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022 vẫn tăng và được quam tâm tìm kiếm rất nhiều. Đặc biệt, tại các thị trường mới như Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán, nhu cầu tìm kiếm đất nền giá mềm tăng mạnh từ 7-15% so với cùng kỳ. Từ giai đoạn tháng 5/2022 đến nay, mặt bằng giá BĐS Đồng Nai đang có xu hướng ổn định, không nhiều biến động nhưng nếu so sánh với cùng kỳ 2021, giá nhà đất Đồng Nai vẫn đang trên đà leo thang. Cụ thể, giá nhà đất TP.Biên Hòa và huyện Trảng Bom dù tăng “khiêm tốn” cũng vào khoảng 3-7%. Ở các địa phương giàu tiềm năng nhất Đồng Nai hiện nay là Long Thành và Nhơn Trạch, giá đất tăng trung bình 14-17%.

Nhìn nhận về nhà đất Đồng Nai, bà Trương Lệ Tâm, quản lý thị trường khu vực Đồng Nai của Batdongsan.com.vn cho biết, giao dịch nhà đất Đồng Nai tăng nhiệt trở lại thời gian qua một phần đến từ tâm lý của nhà đầu tư tích cực hơn sau thông tin xác định phương án vị trí xây cầu Cát Lái trong tháng 7 và Quốc hội chốt đầu tư đường vành đai 3. Thông tin này đã và đang tạo sóng cho thị trường BĐS các khu vực dự án hạ tầng này đi qua. Với BĐS tỉnh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An đang được hưởng lợi từ dự án này. Đường Vành đai 3 là dự án giao thông quy mô lớn khi hoàn thành sẽ tạo động lực kinh tế lớn cho Đồng Nai nói riêng và toàn bộ 5 tỉnh thành vệ tinh khu Đông Nam Bộ nói chung.

Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng đẩy nhanh tiến độ xây dựng cao tốc Bến Lức - Long Thành; Biên Hòa - Vũng Tàu; đại lộ Phạm Văn Đồng hay kéo dài tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đến TP. Biên Hòa... những chuyển biến hạ tầng đang mở ra nhiều tiềm năng cho thị trường BĐS Đồng Nai đột phá thời gian tới.


Dòng sản phẩm đất nền sổ đỏ trong khoảng giá 2 tỷ đồng quay đầu tại Đồng Nai vẫn được nhiều nhà đầu tư ưa chuộng.

“Quỹ đất trung tâm TP.HCM đã cạn khiến xu hướng dịch chuyển về thị trường tỉnh là tất yếu. Sự bùng nổ của kỷ nguyên xe ô tô giúp nhiều người có tâm lý sẵn sàng đi xa hơn để hưởng thụ môi trường sống tốt hơn. Bên cạnh việc giao thông đến các khu vực như Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Khánh ngày càng hoàn thiện, tốc độ đô thị hóa cao, chất lượng dịch vụ dân sinh ngày càng tốt cùng làn sóng công nghiệp bùng nổ khiến nhu cầu an cư tại Đồng Nai liên tục tăng, kéo theo giá trị BĐS không ngừng biến động”, bà Tâm cho biết thêm.

Theo một khảo sát của VARS, có tới 83% số người được hỏi cho rằng nên đầu tư BĐS như một công cụ đối phó với lạm phát. Giai đoạn tiền rẻ thực sự đã qua đi, dòng tiền đang cân nhắc với các kênh đầu tư. Các nhà đầu tư cá nhân và hộ gia đình đang sở hữu BĐS càng có nhu cầu nắm giữ thêm tài sản thay vì bán ra và thu tiền mặt. Do đó, sức ép lạm phát gia tăng càng thúc đẩy tâm lý mua BĐS để trú ẩn dòng tiền.

Trích nguồn Báo Tuổi Trẻ

Đăng nhận xét

0 Nhận xét